Trường Mở - Cộng Đồng Học Sinh Việt Nam

 Quên mật khẩu
 Đăng ký
Tìm
Xem: 470|Trả lời: 0
In Chủ đề trước Tiếp theo

Các đối tượng thuỷ sản và mô hình nuôi ở việt nam

Nhảy đến trang chỉ định
Chủ nhà
I. Đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi.
1. Các đối tượng nuôi sống trong nước ngọt.
1.1. Cá rô phi(Talapia).
Xuất xứ từ châu phi, nhập vào Việt nam thông qua Thái lan năm 1958, hiện ở việt nam có 3 loài: Rô phi trắng, rô phi vằn, rô phi hồng.
Rô phi có khă năng thích ứng với môi trường rất cao, chịu được ngưỡng oxy thấp và hàm lượng chất hữu cơ cao.
Nhiệt độ thích hợp 250c, pH thích hợp là từ 6,5-8,5, nồng độ muối từ 0-40 phần ngàn cá đều sồng được.
Còn nhỏ cá ăn thực vật phù du là chính, khi trưởng thành cá ăn tạp, thức ăn là: mùn bã hữu cơ, tảo đáy, giun, ấu trùng côn trùng, phân gia súc gia cầm, thức ăn nhân tạo…
Tốc độ sinh trưởng phụ thuộc vào môi trường nuôi và thức ăn trong ao, sau 1 năm đạt đến 200-500g/con. Cá đực lớn nhanh hơn cá cái.
Rô phi thành thục sớm khoảng sau 3-4 tháng nuôi, sinh sản sau 5-6 tháng nuôi, đẻ quanh năm khoảng thời gian giữa 2 lần đẻ là 22-24 ngày, 6-11 lần/năm, mỗi lần đẻ khoảng 200-300 trứng, trứng hình quả lê, màu vàng, cá đực, cá cái cùng đào tổ, tổ hình lòng chảo, cá cái đẻ trứng cá đực phóng tinh cùng một lúc, cá cái ấp trứng trong miệng, 3-4 ngày trứng nở, 9-10 ngày sau nở cá con rời mẹ.
1.2 Cá chép(Cyprinus caprio Linaeus).
Phân bố khắp nơi trên thế giới, có thể sống trong nước lợ, phổ nhiệt độ rộng, có thể sống dưới lớp băng, tuy nhiên nhiệt độ thích hợp nhất là từ 20-280c, pH thích hợp từ 7-8, sống được ở vùng nước tĩnh và nước chảy.
Còn nhỏ ăn động vật phù du, lớn lên ăn động vật đáy.
Trong ao nuôi sau 1 năm có thể đạt 0,5kg/con, cá cái lớn nhanh hơn cá đực,
đã gặp cá chép nặng 12kg tại VNCNTTSI Hà bắc.
Sau 1 năm nuôi cá thành thục, đẻ tự nhiên trong ao nuôi, đẻ nhiều lần trong năm, phụ thuộc vào chế độ nuôi, sinh sản nhân tạo được. Cá đẻ trứng dính trên các giá thể thực vật thuỷ sinh như: Rong, tảo.
1.3 Cá lóc(Ophicephalus strriatus).
Phân bố rộng: ở ao, hồ, sông, rạch… cá có thể hô hấp bằng khí trời trong điều kiện da ẩm ướt, nhiệt độ thích hợp từ 20-300c, pH thích hợp từ 6,5-7,5.
Lúc mới nở sống nhờ noãn hoàng, tập trung thành từng đàn, cá mẹ bảo vệ cá con, sau 5-6 ngày cá con sử dụng thức ăn là sinh vật phù du, 30-40 ngày tuổi cá con tự tìm mồi, thúc ăn khi lớn là động vật nhỏ khác như tép, cá con.
Sau 1 năm nuôi cá có thể đạt đến 800g/con, sống được trong nước lợ, tập tính rình bắt mồi ở chỗ có nhiều thực vật thuỷ sinh, có độ sâu 0,5-1m.
Thành thục sau 8-12 tháng tuổi, đẻ quanh năm, thường sau những cơn mưa lớn, trọng lượng cá mẹ 0,8kg có thể đẻ từ 5000-10.000 trứng.
1.4 Cá trắm cỏ.
Phân bố tự nhiên ở các sông hồ Trung á, Trung quốc, hạ lưu sông Amua. Ở Việt nam tìm thấy ở sông Hồng và sông Kỳ Cùng miền bắc. Hiện nay hơn 50 nước trên thế giới nuôi loại cá này. Trắm cỏ sống ở tầng giữa và tầng dưới vùng ven bờ, thức ăn chính là rong cỏ thuỷ sinh.
Có thể sống trong nước lợ nồng độ muối tối đa là 11 phần ngàn, từ 5-7cm cá có thể chịu được ngưỡng nhiệt độ thay đổi từ 4-220c, nồng độ oxy thấp đến 3mg/l.
Đạt trọng lượng trung bình 800g/con sau 1 năm nuôi vỗ, 2 tuổi đạt 2-9kg/con, 3 tuổi có thể đạt 9-12kg/con. Cá cái thành thục sau 3 năm, cá đực sau 2 năm, mùa sinh sản tháng 5-6, đẻ nhiều lần trong năm, cá cái đẻ trứng trôi nổi, 3 ngày đầu sau khi nở cá con sử dụng noãn hoàng, sau đó chúng ăn động thực vật phù du nhỏ, cá lớn ăn thực vật như bèo, cỏ, rong…có thể ăn thức ăn tổng hợp và giun.
1.5 Cá tra(Pangasius hypophthalmus).
Phân bố rất rộng ở đông nam á từ Indonesia, Thái lan, Malaysia, Campuchia, đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Sống được ở các tầng nước nhưng chủ yếu ở tầng đáy, cả vực nước tĩnh và nước chảy, có thể sống trong ao tù nhiều chất hữu cơ.
Là loài ăn tạp thiên về thức ăn động vật.
Sau 1 năm nuôi vỗ có thể đạt 1kg/con, 2 năm có thể đạt 2kg/con.
Đạt thành thục sinh dục trong điều kiện ao nuôi sau 3-4 năm.
1.6 Cá Basa(Pangasius bocourti).
Phân bố ở đông nam á, từ Thái lan, Myanma, Campuchia, Việt nam, Indonesia đến Ấn độ. Thường sống ở vực nước chảy và hồ lớn, chịu được ngưỡng oxy thấp.
Là loài ăn tạp thiên về thức ăn động vật.
Sau 1 năm nuôi đạt trung bình từ 1-1,2kg/con.
Thường nuôi trong ***g bè trên các dòng sông có nước chảy ở đồng bằng sông Cửu long.
Thành thục sinh dục ngoài tự nhiên, trong điều kiện nuôi vỗ sau 3-4 năm mới thành thục.
1.7 Cá Tai tượng(Osphronemus gouramy).
Là loài đặc trưng ở vùng nhiệt đới, phân bố ở Thái lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Việt nam.
Có thể sống trong ao nhiều chất hữu cơ, có pH nước thấp =4, nồng độ muối từ 6-8 phần ngàn, nhiệt độ từ 16-420c, tuy nhiên chịu lạnh kém hơn chịu nóng. Ở điều kiện tối ưu : trong ao nước ngọt, nhiệt độ từ 22-300c, dinh dưỡng đầy đủ cá tăng trưởng nhanh.
Cá ăn tạp thiên về thức ăn thực vật, cá con sau khi nở tiêu thụ hết noãn hoàng thì ăn động vật phù du lá chính, lớn lên ăn tạp nhưng thành phần chính là thực vật.
Là loài có kích cỡ lớn có thể đạt đến 50kg/con, trong nuôi vỗ trung bình đạt 800-1000g/con.
Thành thục sinh dục sau1,5-2 năm nuôi, cá đẻ trứng nhiều, cá con có sức sống cao.
Mùa sinh sản trong tự nhiên vào tháng 2-3 vá tháng 9-10 dương lịch.
1.8 Tôm càng xanh(Macrobrachium rosenbergii).
Có hơn 100 loài trong đó 3 loài lớn có giá trị kinh tế nhất phân bố ở phía tây châu Mỹ, tiếp giáp Đại tây dương, và Đông nam á, Châu đại dương và tây Thái bình dương.
Sống trong vực nước ngọt và nước lợ, ở nam bộ tôm sống ở sông, ao hồ tự nhiên, ruộng lúa…
Tôm càng xanh thích ứng ở nhiệt độ từ 26-310c, pH=7-8,5, nồng độ oxy hoà tan>3mg/l.
Tôm mẹ thành thục sau 1-1,5 năm tuổi, vào mùa sinh sản tôm mang trứng bơi xuôi dòng sông ra cữa để đẻ, nơi có nồng độ muối từ 6-18 phần ngàn, ấu trùng sau khi nở ăn giáp xác nhỏ đặc biệt là Artemia để sống sau nhiều lần(12 lần) lột xác khoảng 28-45 ngày biến thành tôm bột và quay về vùng nước ngọt để sống.
Tôm ăn vào ban đêm, ăn tạp từ cơm dừa, lúa gạo đến xác động vật chết.
1.9 Trai nước ngọt(Sinohyriopsis cumingii(Lea), Cristaria bialata(Lea), Sinanodonta elliptica).
Trong 3 loài thường gặp thì hai loài có khả năng nuôi để lấy ngọc đó là loài cánh đen và cánh xanh.
Phân bố chủ yếu ở các vực nước ngọt miền bắc Việt nam.
Thức ăn chủ yếu là thực vật phù du, ăn thụ động, hút nước và lọc thức ăn trong nước hút được qua mang vào dạ dày.
Là loài nhuyễn thể sống vùi mình trong đáy bùn, loài cánh xanh sinh trưởng rất nhanh sau 2 năm có thể đạt được 500-700g/con.
Sinh sản bằng thụ tinh trong, trai đực và trai cái muốn phân biệt được phải quan sát bộ phận sinh dục dưới kính hiển vi, mùa sinh sản vào tháng 5-7 dương lịch, trứng hình elip, kích thước nhỏ khoảng 300 micromet, sau 2-5 tuần trứng phát triển thành cá thể con.
1.10 Ba ba(thuộc họ Trionychidae).
Sống trong vực nước sông, thường sống ở đáy, có thể ở độ sâu 4-5m, bắt gặp ở mọi miền Việt nam.
Khả năng nhịn đói tốt có thể nhịn 1 tháng không ăn, thức ăn chính là cá con, tép, tôm, cua, ốc, giun, nhất là con vật bắt đầu ươn. Tranh mồi mạnh, có thể ăn đồng loại.
Sinh trưởng chậm, sau 1 năm nuôi chỉ đạt 400-500g/con,.
Ba ba có đực cái riêng, sau 2 năm mới thành thục sinh dục, thụ tinh và đẻ trứng, mỗi lứa đẻ từ 5-10 trứng, có thể đạt đến vài chục trứng ở những Ba ba lớn, trứng thường được vùi ở bãi cát ven sông, đẻ vào ban đêm, 50-60 ngày vùi trong cát trứng nở và Ba ba con tự bò xuống nước.

Ngoài những đối tượng nuôi điển hình trên ở Việt nam còn nuôi rất nhiều đối tượng khác như: Cá trôi, Mè, Bống tượng, cá Hường, Sặc rằn, Trê, Ếch, Lươn…
2. Các đối tượng nuôi sống trong nước lợ và nước mặn.
2.1 Cá Mú-Grouper(Họ Serranidae).
Họ mú có 75 giống và trên 400 loài, có loài chỉ dài 20cm và nặng 100g, có loài dài đến 1,5m và nặng trên 300kg.
Cá có màu sắc sặc sỡ và ăn thịt( thuộc cá dữ ), rình bắt mồi, thường sống ở các rạn đá, san hô. Ở Việt Nam có trên 30 loài, các loài có giá trị kinh tế như:
- Cá mú hoa nâu – Flowery Cod (Efrinefhelus Fuscoguttatus)
- Cá mú vạch (E.brunneus)
- Cá mú chấm tổ ong – Honey comb Cod (E. merra)
Nhìn chung trong tự nhiên cá mú ăn các loài giáp sát và cá nhỏ. Tốc độ sinh trưởng tương đối nhanh, kích thước cực đại có thể đến 90cm sau một năm nuôi có thể đạt trên 1kg/con.
Hầu hết các loài cá mú đều thuộc loại chuyển đổi giới tính, lúc còn nhỏ chúng toàn là cá cái, khi lớn lên tới một kích thước nhất định một số con chuyển thành cá đực.
Sức sinh sản khá cao, có thể đẻ từ vài trăm nghìn đến vài triệu trứng trên 1 con cá mẹ.
2.2. Cá chẽm – Seabass ( Lates Calcarifer).
Phân bố: Thường ở cửa sông, đầm, phá thuộc loài rộng nhiệt, rộng muối, ở Việt Nam thường thấy ở Vịnh Bắc bộ, ven biển miền trung và duyên hải nam trung bộ.
Cá chẽm ăn thiên về động vật như: Tôm, tép, nhuyễn thể…
Trong đánh bắt tự nhiên có con dài đến 70cm, trong nuôi ***g nhân tạo cá đạt 0,6-1kg/con/năm ; 2 năm có thể đạt 3kg/con.
Cá chẽm cũng thuộc loại chuyển đổi giới tính, lúc còn nhỏ chúng toàn là cá đực, lớn lên đến kích thước nhất định sẽ chuyển thành cá cái.
Khi thành thục chúng ra biển để đẻ, cá con di cư vào sống cửa sông cho đến lúc trưởng thành. Cá chẽm sinh sản quanh năm.
2.3. Cá măng – Milk Fish (Chanos chanos)
Phân bố : Nhiều ở vùng nhiệt đới như: Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Ở Việt Nam cá bột xuất hiện ven biển miền trung.
Cá măng là loài rộng muối, còn nhỏ có thể sống ở độ muối từ 0- 20 phần nghìn, lớn lên có thể sống ở độ muối 80 phần nghìn, sự thay đổi độ muối đột ngột không làm cho cá chết, sống được ở môi trường có độ hoàn tan oxy thấp.
Cá măng còn ăn thực vật phù du, các loài tảo như tảo lam ,tảo lục, tảo silic và luân trùng. Khi trưởng thành cá ăn các loại rau xanh, mùn bã hữu cơ, rong rêu…
Cá nuôi 1 năm đạt 400g/con.
Cá măng đẻ trứng ngoài khơi, cá con trôi dạt vào bờ sông để sống, khi trưởng thành lại ra biển để đẻ. Cá măng thành thục sau 6 năm, dài từ 90-100cm, mỗi lần đẻ 3-4 triệu trứng, bãi đẻ có độ sâu 30-40m.
2.4. Cá ngựa – Seahosse (Hippocampus)
Phân bố rộng ở biển nhiệt đới, cận nhiệt đới. Ở Việt Nam tìm thấy ở Vịnh bắc bộ và ven biển Trung bộ, Vịnh Thái lan ( thuộc khu vực Việt nam). Tuy nhiên từ Khánh Hòa đến Bình Thuận số lượng khai thác là cao nhất. Phát hiện được 4 loài ở Việt nam. Chúng sống ở đáy và gần đáy, nơi có nhiều chà và rong lá hẹ (Thalassia. Spp).
Loài cá ngựa đen sống rộng muối và rộng nhiệt.
Sinh trưởng nhanh, vòng đời ngắn, cá mới nở dài 4-6mm, sau 1 năm dài từ 12-20cm. Chúng có dạ dày và ruột thẳng, còn nhỏ thức ăn chủ yếu là: Copepoda, giáp sát nhỏ, ấu trùng giáp xác… lớn lên chúng ăn chủ yếu là tôm (họ Palaemonidae), ấu trùng thân mền (Mollusca).
Cá sống đơn độc, ít di chuyển, vào mùa sinh sản cá đi từng cặp, cá con mới đẻ có hình thái giống cá lớn, bắt mồi ngay sau khi đẻ, có tính hướng quang rất mạnh, cá một năm tuổi có thể sinh sản, đẻ quanh năm.
2.5. Tôm sú (Penaeus monodon)
Phân bố ở các vùng biển Châu Á – Thái bình dương, nam Nhật Bản đến bắc Úc Châu, Đông phi đến Indonesia. Ở Việt nam phân bố nhiều ở các vùng ven biển miền trung.
Tập tính ăn đêm, ban ngày thường vùi mình trong cát. Thuộc loài ăn tạp, thức ăn thiên về động vật nhỏ: giun, giáp xác nhỏ, nhuyễn thể, cá, côn trùng, khi lột xác chúng có thể ăn thịt đồng loại.
Tôm ở mỗi giai đoạn ấu trùng ăn thức ăn khác nhau. Ấu trùng mới nở, Giai đoạn Nauplii không ăn, sống nhờ sinh dưỡng noãn hoàng, sang giai đoạn Zoae ăn chủ yếu thực vật phù du (các loài tảo khuê là thức ăn quan trọng cho giai đoạn này), giai đoạn Mysis ngoài tảo khuê còn ăn thêm ấu trùng giáp xác nhỏ, động vật phù du, artemia…Đến giai đoạn Post Larva thức ăn chính là động vật phù du nhỏ, giáp xác nhỏ, Artemia.
Sau 4 tháng nuôi từ post larva 15 tôm có thể đat đến kích cỡ 25-40g/con thuộc loại lột xác để lớn, ngoài tự nhiên thường thấy lột xác thep tuần trăng âm lịch.
Mùa sinh sảntrong tự nhiên là vào tháng 8-10 âm lịch, trong nuôi vỗ nhân tạo sau 3-7 ngày đẻ 1 lứa và rất nhiều lứa tùy theo chế độ thức ăn. Tôm thành thục đến mùa giao vì tôm đực nhỏ hơn tôm cái thường gắn những bó tinh của mình vào túi tinh dưới ức tôm cái, tôm cái thường đẻ vào ban đêm ở những vực nước sâu của sông nơi giàu thức ăn cho ấu trùng. Tùy theo kích cỡ tôm cái mà số lượng trứng thay đổi từ 30000 – 1 triệu trứng có khi đến 2 triệu trứng/1con cái.
2.6. Cua biển (cua xanh, cua bể - Scylla Serrata)
Phân bố ở Trung Quốc, các nước ASEAN, Châu úc, Ấn độ, Việt nam.
Thường sống nơi biển nông, cửa sông, ao đầm, phá, nơi có nhiều bùn bã hữu cơ.
Cua ăn tạp, thiên về động vật nhưng chủ yếu là các loài nhuyễn thể, trai, ốc, tôm con, cá con, xác động vật, ăn thịt lẫn nhau khi lột xác, sức ăn giảm ở giai đoạn trước và sau lột xác, lột xác để lớn.

Thuộc loại rộng muối, rộng nhiệt, song dưới 12oC cua có thể chết vì bỏ ăn.
Ấu trùng sống ở vùng ngập mặn hạ triều, lột xác biến thái nhiều lần để thành cua bột, cua lớn lột xác theo tuần trăng (âm lịch), đặc biệt càng cua có thể mọc lại chậm sau khi bị gãy.

Khi thành thục, giao vì đẻ trứng trong vùng nước lợ nhưng phôi nở trứng ở biển sâu(có độ mặn cao). Trứng được con cái ấp dưới yếm(mai bụng).
2.7.Rong sụn (Kappaphycus alvarezii)
Rong sụn thích nghi ở vùng nhiệt đới, có nguồn gốc từ Philippine, hiện nay nuôi nhiều ở các tỉnh ven bắc bộ và trung bộ.
Rong phát triển tốt ở nhiệt độ25-28oC, độ muối 28-34 phần nghìn, mức tăng trọng có thể đạt 12%/ ngày, thích hợp với ánh sáng vừa phải, chịu ở vùng nước trong, dòng nước di chuyển hoặc có dòng chảy chậm.
Phân chuồng, đạm vô cơ, phospho vô cơ là nguồn dinh dưỡng tốt cho rong sụn phát triển tuy nhiên nhu cầu không cao.

II. Các mô hình nuôi cá đối tượng thủy sản.
1. Các tiêu chuẩn xây dựng ao nuôi thương phẩm.
Cho dù ao nuôi các đối tượng nước mặn, nước lợ hay nước ngọt, ngoài những đặc điểm riêng hầu hết đều có những đặc điểm chung.
Nuôi ao, hồ.
- Địa điểm xây dựng rộng hay hẹp trước hết phải đảm bảo có nguồn nước chủ động và sạch( không ô nhiễm bởi các chất thải công, nông nghiệp), có độ hòa tan oxy cao.
- Chất đất tại nơi xây dựng là cát pha bùn, sét pha thịt, phù sa, hoặc cát pha thịt, phải tính toán sau khi đào ao đủ độ sâu thì chất đáy phải như loại đất nói trên.
- Độ pH nước và đất phải đảm bảo dao động từ 6,5-8.
Nếu là mục đích kinh doanh lớn còn phải chú ý.
- Đường giao thông để phục vụ cho phương tiện giao thông.
- Nguồn năng lượng (điện hoặc máy) phải có chi phí thấp.
- Địa điểm đảm bảo chủ động nguồn nước cung cấp và nguồn nước thải ( không bị ngập úng, ảnh hưởng bởi thời tiết).
Hiện nay có nhiều mô hình nuôi trong bể xi măng lớn hoặc nuôi trên cát có lót nilong. Song những mô hình này có chi phí rất lớn và chỉ nuôi được một vài vụ sau đó muốn nuôi tiếp phải cải tạo rất tốn kém (sau một vụ nuôi chất đáy bị thối do thức ăn tồn dư).

Nuôi ***g, bè.
Không cần chất đáy tốt, xấu , chỉ chú ý nguồn nước sạch. Vì nuôi ở mật độ cao, chất thải của đối tượng nuôi nhiều, tốt nhất là chọn dòng nước chảy hoặc ao hồ thiên nhiên rộng.
Vật liệu đáy ***g, bè phải chịu ngập nước, lâu mục và giá thành thấp như: tre, lứa…

Nuôi hồ tự nhiên.
Thường khó cải tạo nên mật độ giống phải nhiều vì phải tính đến tình huống dịch hại, con giống phải lớn để tự kiếm mồi và tránh dịch hại nhanh, phương pháp thu hoạch phải tối ưu.
2.Quản lý và chăm sóc ao nuôi.

- Nếu là ao, hồ tự đào sau khi đào xong phải để một thời gian nhất định để cho bờ chắc chắn không sạt lở và rửa đáy thường xuyên.
- Cống lấy nước và thoát nước phải hợp lý và chắc chắn.
- Sau khi lấy nước vào bón thêm một lượng phân vô cơ để tạo nhanh màu nước (chủ yếu là các loại tạo đơn bào như tảo lục, tảo lam, tảo silic..), điều chỉnh pH nước bằng vôi bột.
- Thả giống đúng kích cỡ tùy đối tượng, thả giống phải chọn giống khỏe mạnh, thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
- Cho ăn phải có sàn kiểm tra dư lượng thức ăn trong ngày để điều chỉnh, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, đúng kích cỡ và đúng đối tượng.
- Thường xuyên theo dõi độ pH nước, nhiệt độ nước và nồng độ muối (nếu đối tượng nuôi là nước mặn).
- Khi thay nước phải chú ý tùy theo kích cỡ cá, độ khỏe mạnh, độ dơ của nước, lượng nước cần thay để tránh gây sốc cho đối tượng nuôi.
- Biết xử lý mọi tình huống xảy ra như xốc nhiệt, xốc muối, thiếu oxy.
- Hiểu biết rõ về bệnh của đối tượng nuôi .
- Biết chọn thời điểm thu hoạch đẻ năng suất đạt cao nhất.
- Phương tiện thu hoạch phải phù hợp với từng đối tượng.
- Quan trọng nhất là giá thành sản phẩm và sức tiêu thụ của thị trường.

Thread Hot
[CNXH Khoa Học] 20 CÂU HỎI-TRẢ LỜI PHẦN CHỦ
[Đường lối cách mạng của Đảng CSVN] 20
[Kinh Tế Chính Trị] Câu hỏi và đáp án ph
[Kinh Tế Chính Trị] 26 CÂU HỎI-TRẢ LỜI PHẦ
[Triết Học] 35 CÂU HỎI-TRẢ LỜI PHẦN TRIẾT
[Làm văn] Thuyết minh cây lúa nước!
[Thể Thao] Bộ phim về CR7
[Ôn thi ĐH - CĐ] Hướng dẫn kĩ năng vẽ biểu
[Triết Lý Cuộc Sống] Những Câu Nói Hay Củ
[Khối Ngành Khoa Học Tự Nhiên] Các chất đ
[Ôn thi ĐH - CĐ] Đề thi thử Đại học 2012 Đ
[Khối Ngành Văn Hóa - Nghệ Thuật] [Guitar]P

Bạn phải đăng nhập mới được đăng bài Đăng nhập | Đăng ký

Quy tắc điểm

GMT+7, 8-4-2025 07:54

Trang Chủ | Diễn Đàn Trường Mở

Truongmo.com © 2011

Trả lời nhanh Lên trên Trở lại danh sách