|
Nữ sĩ Xuân Quỳnh: Biết quên mình để làm vợ
Khánh By
Sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra năm 1988 tại đầu bờ bắc cầu Phú Lương, tỉnh Hải Dương làm cả gia đình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ ngồi trên ôtô Uoát tức tưởi ra đi, các báo, đài bắt đầu thường bình thơ hoặc phân tích truyện, kịch của anh chị. Vốn là người yêu thơ, tôi và thế hệ chúng tôi biết chị nhiều hơn, ấn tượng “Xuân Quỳnh” kể từ dạo đó.
Đến nay hết thảy chúng tôi đã trưởng thành, có dịp đọc Tuyển tập thơ của chị, rồi suy ngẫm, rồi chiêm nghiệm, tôi mới nhận ra rằng, chị Xuân Quỳnh là nhà thơ có lời yêu thương chồng đằm thắm và thơm thảo nhất. Tình cảm đó được thể hiện qua bài Hát ru chồng những đêm khó ngủ và bài Mẹ của anh. Nếu nói “hơn lên một tí”, riêng hai bài thơ trên, khi đọc lên, trước những lời thơ tha thiết, ***g lộng đức tính nhân văn, giàu tình hữu ái của con người với con người, tình của người vợ yêu thương chồng sao mà cao đẹp, đằm thắm thế! Lời chị ru sao mà mượt mà, ý nhị và tình cảm đến thế?! Đã từ lâu, nhiều khi nhớ đến, tôi thấy nỗi niềm cứ rưng rưng tự đáy lòng suy tưởng đến những ý tứ của những câu thơ:
Anh không ngủ được ư anh?
Để em mở quạt, quấn mành lên cho.
Lặng sao cái gió đầu hồ,
Ghét sao cái nắng đầu mùa đã ghê.
Vâng! Những ai ở miền Bắc mới cảm nhận được đầy đủ cái nắng hạ chói trang, oi bức đến mức nào. Nhất là trong thời kỳ bao cấp, đất nước đang có chiến tranh, sự thiếu thốn vật chất đã rồi, nhà cửa thì chật chội, đồ đạc tuềnh toàng. Sinh hoạt hằng ngày của gia đình đều bó hẹp trong khung hạn định đó. Đôi vợ chồng nào mới cưới, được cơ quan xếp cho căn phòng hạnh phúc độ 10-15m2 đã là “xôm” lắm, mừng quýnh như bắt được vàng. Chúng ta bây giờ nghĩ lại khó hình dung nổi khi mà trong khuôn khổ chật hẹp ấy, mọi thứ cho một gia đình người ta đều thu vén đủ. Vậy mà vẫn còn lối rộng đi lại, chỗ dựng xe đạp cà tàng, chỗ để đun nấu, còn khi ăn cơm thì tót trên giường rồi. Thế thì trong cái nắng đầu hè, cái phòng ở hẹp, cái quạt “con cóc” bé tẹo tuy quay tít đấy, làm sao có thể đủ làm mát được cho cả gian phòng?... Nên không bức bối sao được? Thử hình dung khi chị Xuân Quỳnh “mở quạt”, “vén mành” lên là như để trông chờ vu vơ một cơn gió thổi vào phòng, may ra làm dịu đi cái nắng nóng đầu mùa hạ trong căn phòng chật hẹp. Đó là tấm lòng nhân hậu của người vợ hiền muốn chồng được hạnh phúc sung sướng, được thiên nhiên ban tặng. Nhưng chưa được, chưa có, chị lại tỉ tê như cưng nựng:
… Ngủ đi em khép cửa phòng
Để em lên gác em trông xem nào.
Bây giờ thì trông cái gì đây. Phải chăng vẫn là trông hờ một cơn gió, cơn mưa thần kỳ đột ngột cho trời dịu lại để người chồng mà chị yêu, chị quý trọng đến hết lòng: “Em yêu anh, yêu anh như điên… và Em yêu anh cả khi chết đi rồi” ngủ cho ngon giấc?! Có thể lắm chứ! Trời miền Bắc mùa hè mỗi khi đứng gió, oi ả đến cực cùng rồi thường sau đó hay nổi giông mưa? Nhưng không, bấy giờ thì trời vẫn nóng. Người chồng vẫn trằn trọc, khó ngủ bởi những ưu tư, phiền muộn trăm chiều(?!). Như hiểu được nội tâm và xót thương chồng, thế là bằng chất thơ, chất giọng mát rợi tình chồng vợ chị lại vỗ về ru như lời khuyên nhủ:
Anh không ngủ được anh yêu?
Nghe chi cơn lũ đang chiều nước dâng?!
Ngày mai cây lúa lên đòng,
Lại xanh như đã từng không mất mùa…
… Khuya rồi anh hãy ngủ đi
Để em trở dậy em che bớt đèn.
Ôi! Cái nghĩa tao khang sao mà sâu đậm. Tình cảm ấy sao mà hạnh phúc. Sao mà đáng nâng niu, trân trọng! Nếu suy tưởng bằng ngôn ngữ điện ảnh qua lời thơ, chúng ta có thể hình dung ra từ nãy giờ chị Xuân Quỳnh như vẫn đang bên chồng để vỗ về… ru cho chồng ngủ, đang phe phẩy quạt nan, nhưng mà đức ông chồng vẫn còn trằn trọc, biết đâu còn làm nũng vợ? Từ sự thương yêu chồng đến vô bờ bến đó mà thành ra chị “ghét cái gió lặng yên, cái ánh đèn hắt sáng”, bởi tất cả đó là nguyên nhân làm cho người chồng mình yêu, mình quý trọng khó ngủ, không ngủ.
Thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy, do không xác định đúng đắn được tình yêu, tình con người, hay nghĩa vợ tình chồng là thiêng liêng, cao quý nên không ít trường hợp những cặp vợ chồng, những gia đình mà người ta gọi là “tế bào của xã hội” còn có những thù tức, cá nhân ích kỷ để nảy sinh những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, gây ra án mạng, thương tích rất đáng tiếc… Hậu quả không chỉ gây ảnh hưởng nhân cách, thuần phong, đạo lý bị xuống cấp, đặc biệt nguy hiểm là từ những mâu thuẫn đó con người đã xâm hại, tổn thương đến sức khỏe, gây thiệt hại nặng nề nếp cuộc sống gia đình, mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực an toàn xã hội, trật tự trong cộng đồng dân cư.
Nhìn trên phương diện này mà liên tưởng, khi đọc những vần thơ ru chồng của chị Xuân Quỳnh, chúng ta thêm cảm nhận ra đúng nghĩa cuộc sống và hạnh phúc vợ chồng. Được biết chị là người từng trải và đã nếm vị đắng của tình yêu, hạnh phúc khi một lần đổ vỡ nên chị đã: “Qua cay đắng với buồn vui đã nhiều” (Thơ tình tôi viết), nhưng chị lại là người: “Em biết quên những chuyện đáng quên/ Em biết nhớ những điều em phải nhớ” là bởi: “Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ”?! (Có một thời như thế).
Dư luận lúc bấy giờ không phải ai cũng hiểu đúng về cuộc hôn nhân Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ. Nhưng trong giới văn nghệ thì đánh giá rất cao trong những năm tháng họ ở bên nhau, Xuân Quỳnh tài hoa, xinh đẹp đã cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (kém chị 4 tuổi) thật sự sống rất hạnh phúc, họ hiểu nhau, cảm thông với nhau, sống trọn vì nhau, cho nhau sau những thiệt thòi, mất mát đã bừng lên trong lĩnh vực sáng tác. Chính vì lẽ đó, anh chị như được chắp cánh nên đã sáng tác rất khỏe và dẻo dai, làm giàu cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật của nước nhà rất lớn bởi một khối lượng kịch và thơ, văn “đồ sộ” được ra đời trong thập niên trước của những năm 80 của thế kỷ trước.
Có người nói, thơ là muôn nỗi riêng chung của cảm xúc đa chiều khi lòng ta buồn lắng xuống hay rộn lên niềm vui sướng tột cùng. Nói như cố nhà thơ Tố Hữu thì: “Thơ là gan ruột”. Còn Vũ Quần Phương thì miêu tả thật buồn cười: “Thơ như mộc nhĩ khô”, khi ngâm nó sẽ “lượi” ra. Chị Xuân Quỳnh, nếu không có những phẩm chất đó thì làm sao chị có thể cho ra đời hàng loạt bài thơ viết về tình yêu đôi lứa đã tình tứ, sâu đậm chất nhân văn, triết lý tình yêu, tình con người; khi viết về tình cảm của người vợ đối với người chồng càng tỏa sáng tình yêu thương một cách chân thật, còn mãi với thời gian của bao thế hệ, trẻ già đều tâm đắc:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mang nhường nào,
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu?!
( Thuyền và biển).
Với tôi, cái hay của Xuân Quỳnh – người vợ còn được thể hiện ở chỗ “yêu chồng nên thương mẹ chồng”, cho dù người đời vẫn còn định kiến: “Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” (ca dao). Trong bài Mẹ của anh thì dường như hoàn toàn không có ý tứ nào có sự phân biệt “nàng dâu – mẹ chồng”. Thành thực tôi thật sự hài lòng, đồng cảm với kiểu cách Xuân Quỳnh trong ý tứ ứng xử gia đình được thể hiện qua các bài thơ: Thơ viết cho mình và những người con gái khác, Bàn tay em… đặc biệt là trong quan niệm về mẹ chồng làm tôi rất cảm kích:
Phải đâu Mẹ của riêng anh,
Mẹ là Mẹ của chúng mình đấy thôi.
Mẹ tuy không đẻ không nuôi,
Mà em ơn Mẹ suốt đời chưa xong.
Đúng là thế đấy! Phải có mẹ chồng rồi mới có chồng mình chứ! Thiết nghĩ, người vợ nào cũng biết hành xử như lời thơ của chị Xuân Quỳnh thì thế giới “đức ông chồng” có làm đến hết đời cũng không trả được hết nghĩa nặng tình sâu của người vợ – người phụ nữ Việt Nam vốn được tôn vinh đảm đang, trung hậu, thủy chung lại biết yêu thương chồng nên quý mẹ. Nếu trên đời này, thế giới đàn ông – thế giới người chồng đều có được những người vợ biết quý trọng mẹ, yêu thương chồng con và mẹ chồng hết mực như thế thì còn gì sung sướng hơn như chị Xuân Quỳnh cắt nghĩa:
Chắt chiu từ những ngày xa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Tiếc rằng, trong cuộc sống đương đại thường không bằng phẳng một chiều như vậy. Chị Xuân Quỳnh đã mạnh bạo không ngần ngại khi nói lên niềm tự hào của người vợ, người mẹ trong bài Thơ vui cho phái yếu:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng,
Là Bác học… hay là ai đi nữa,
Vẫn là con của một người phụ nữ…
Tại sao chị Xuân Quỳnh lại có được những tình yêu thương đằm thắm, thiết tha như vậy với chồng, với cả mẹ chồng mà không thấy có một sự cách ngăn nào trong các mối quan hệ đó?! Phải khẳng định rằng, để có được phẩm hạnh đó, chị Xuân Quỳnh đã có một cái tâm của người phụ nữ – nhà thơ, của người vợ hiền tôn thờ chồng với một đức tin của một ý thức hệ về tình yêu trong mối quan hệ vợ chồng nồng thắm và mãnh liệt, nếu không dám nói là cực độ:
Em yêu anh, yêu anh như điên,
Em viết những bài thơ tình yêu tưởng anh là ý, tứ?
(Thơ viết cho mình).
Nhưng rồi chị cũng thấy sự việc đó nó cũng đơn giản, gọn nhẹ mà sâu lắng tận đáy lòng nên có lúc chị đã cất cao tiếng hát về mình:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em,
Là máu thịt đời thường ai chả có?
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa,
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
(Tự hát).
Trên thế gian này nếu tất cả “Thế giới phụ nữ – thế giới người vợ” đều có được cốt cách của cái tâm đúng nghĩa với chồng, với con, với gia đình; có đầy đủ những tố chất và phẩm hạnh tốt đẹp của người vợ, người phụ nữ như đức Khổng Tử răn dạy thì cuộc đời này sẽ còn càng thêm ý nghĩa và yêu dấu biết nhường nào?! Và như thế, về mặt trật tự an toàn xã hội, trật tự cộng đồng, trật tự gia đình sẽ hoàn tất không phải là vấn đề đáng lo ngại mà hậu quả phức tạp đáng tiếc lại bắt nguồn từ những người phụ nữ, những người vợ.
Và, điều nữa tôi cũng nghiệm ra rằng, cũng nếu đúng như lời cụ Nguyễn Du nói về Tài – Mệnh ở trên đời này nếu có, thì âu đó là điềm gở đáng tiếc đã ứng vào chị Xuân Quỳnh – Nhà thơ tình đa tài, đa cảm, đa đoan với cuộc sống, yêu thương con người, yêu thương chồng con đằm thắm nhất nhưng vắn số |
Cảm ơn
-
Xem tất cả
|