Advertisements
Một trong những bí quyết để làm tốt bài thi môn Địa là học sinh (HS) nắm vững đề cương, hiểu bài. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT và đại học môn Địa nằm trải đều và trọn trong chương trình sách giáo khoa (SGK).
Thường đề thi có phần địa lý dân cư và tự nhiên, HS nên soạn đề cương và nắm các nội dung cơ bản: lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ, đặc điểm địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng miền. Đầu tiên là rút ra ý chính và ghi nhớ từng ý. Sau đó, HS hệ thống lại các đặc điểm, có thể so sánh vùng này với vùng khác để nhớ lâu và phân tích kỹ hơn.
Bên cạnh, còn có phần địa lý về các vùng kinh tế và các ngành kinh tế, phần này thường khó nhớ bao gồm: phân bố phát triển nông- lâm- ngư nghiệp, thủy sản. Mỗi vùng miền có đặc trưng riêng về khí hậu, địa hình và nền kinh tế theo đó mà phát triển khác nhau. Khi học bài HS nên kết hợp tư duy, ghi đề cương, xem atlat và xem SGK để nắm vững trọng tâm câu hỏi.
Phần vẽ biểu đồ không khó lấy điểm, thông thường HS nhìn vào yêu cầu có thể xác định loại biểu đồ ngay. Nhận xét biểu đồ là mổ xẻ những gì nhìn thấy được qua biểu đồ, kết hợp kiến thức đã học: độ cao thấp giữa các cột, tỷ lệ lớn nhỏ,... trong giai đoạn nào. Phần nhận xét viết rõ ràng, mạch lạc, không viết dài dòng. Mỗi câu hỏi thường có phần tại sao đòi hỏi HS phải đọc thêm SGK để hiểu rõ vấn đề. Trả lời các câu hỏi sau mỗi bài học trong sách cũng là cách thực tập tốt. Một điểm đáng lưu ý, HS nếu không thật sự tự tin thì đừng chọn chương trình nâng cao.
Sắp xếp thời gian hợp lý cho các câu trả lời, tập vẽ biểu đồ thường xuyên để vẽ nhanh, đẹp, chính xác và tiết kiệm thời gian làm bài. Nếu có tính toán số liệu để vẽ biểu đồ, hãy trình bày ngay trong bài thi, đó có thể là phần ghi điểm.
|