Advertisements
li la li la li la...
Có tiếng đàn ngân vang giữa thảo nguyên xanh thẳm...Vó ngựa lang thang, ai đang hát bên trời nghe tha thiết: "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn"...Lorca, một nhân cách nghệ sĩ cao đẹp, một số phận bi thảm trái ngang đã làm rung động sâu sắc hồn thơ đậm chất triết luận suy tư của Thanh Thảo. Ông đã viết về con người ấy bằng tất cả niềm cảm phục, đồng cảm, xót thương trong một bài thơ đầy nhạc tính: "Đàn ghi ta của Lorca".
Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh bồn chồn ám ảnh:
"những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li la li la li la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn"
Chân dung Lorca được khắc tạc qua một nét chấm phá: "tiếng đàn bọt nước". Người nghệ sĩ dân gian với tiếng đàn của mình hiện lên như là tâm điểm của bức tranh "Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt". Hình ảnh thơ gợi liên tưởng đến một miền không gian đậm màu sắc văn hóa xứ sở Gra-na-đa, nơi có những đấu trường bò tót sôi động, ánh màu đỏ áo choàng của những dúng sĩ kiêu hùng, gan dạ. Lorca là một trong số đó. Chàng khiêu chiến với "con bò tót" Phát-xít, với cả một nền chính trị độc tài Tây Ban Nha. Chàng hát lên bằng thơ bài ca của tự do, của sức sống mãnh liệt. Chàng lấy cây đàn làm vũ khí đấu tranh cho chính nghĩa, cho lẽ phải ở đời. Một mình chàng đương đầu với cả nền nghệ thuật già nua, một mình chàng mải mê trên con đường cách tân, đổi mới văn nghệ. Chàng chỉ có một mình. Cái vẻ đẹp lãng du, phóng khoáng không che nổi trái tim chàng đơn độc. Sự cô đơn, lẻ loi như được tô đậm hơn thêm bởi không gian bao la rộng lớn. "Đơn độc, lang thang, chếnh choáng, mỏi mòn", những từ láy được sử dụng liên tiếp làm nhịp thơ trải dài, như thoáng gợi một tâm hồn nghệ sĩ du ca "đơn thương độc mã". Nhưng dẫu vậy không ai có thể phủ nhận tài năng của chàng, "con chim họa mi" giữa bầu trời châu Âu cao rộng. Và Thanh Thảo kính cẩn nghiêng mình trước bức tượng đài "người hát rong trung cổ" mà thế giới vẫn hằng gọi tên: LORCA.
Yêu mến tấm lòng, tài năng của Lorca, làm sao nhà thơ không đau đớn cho được trước bi kịch chàng phải trải qua:
"Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du"
Vẫn lối kết hợp từ phóng khoáng mà cô đúc, những câu thơ ngắn gọn, nhịp nhanh đặc biệt đã tái hiện giây phút bi phẫn nhất của cuộc đời Lorca. Sự chấn động kinh hoàng của dân tộc Tây Ban Nha,, của Thanh Thảo và của chính Lorca như ngưng đọng trong một từ "bỗng" rồi chợt đổ òa ra khi thấy sắc đỏ áo choàng. Không còn là màu đỏ của kiêu hùng dũng sĩ, nó là mà của máu, của đau thương bi phẫn tột cùng. Đến đây nhịp điệu đứt gãy của vần thơ làm bùng nổ cảm xúc của người đọc, nén một tiếng kêu đau thương không cất nổi thành lời bởi vì chính bước chân mộng du kia. Là Lorca kinh hoàng trong đau thương, hay là Lorca vẫn bay bổng, lãng mạn dưới lưỡi hái tử thần? Chẳng ai rõ nữa. Nhưng dù thế nào tiếng thơ vẫn là tiếng đau, tiếng xót nhức nhối không yên, tiếng kêu thương bất lực, tuyệt vọng.
"tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy"
Cả cuộc đời Lorca đã phổ vào trong tiếng nhạc diệu kỳ. Ở đó, ta cảm thấu được tâm hồn Lorca, một Lorca trầm lặng, nghĩ suy (tiếng ghi ta nâu), một Lorca tràn đầy hi vọng (tiếng ghi ta lá xanh biết mấy), một Lorca ngỡ ngàng đầy đau xót (tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan), một Lorca đau thương với cái chết thảm khốc, bi thiết (tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy). Tiếng ghi ta đi trọn vẹn cuộc đời Lorca ám ảnh một tiếng "thở than", "van vỉ", kêu khóc. "Ơi ghi ta-trái tim ngươi tử thương dưới năm đầu kiếm sắc" (Lorca). Âm nhạc đã thực sự hóa thành linh hồn, trở thành thân phận, một thân phận đã được định đoạt bởi thứ định mệnh mỏng manh "bọt nước vỡ tan" và nghiệt ngã "ròng ròng máu chảy". Hình ảnh "tiếng ghi ta" cứ láy đi láy lại với những liên tưởng độc đáo, ấn tượng tạo chất nhạc đậm đà cho lời thơ. Câu thơ gợi một cái gì không thể diễn tả được bằng lời, chỉ có thể tự cảm nhận bằng trái tim, và phải là trái tim thiết tha yêu mến cái đẹp. Lúc đó ta mới thấm thía cái dư ba của âm thanh, hình ảnh, nhạc điệu và cảm xúc trong thơ.
"Chữ tài liền với chưa tai một vần". Lời nguyền ấy đã "ám" vào cuộc đời Lorca. Chàng ngã xuống, cả thế giới nhìn chàng ngã xuống như một kỵ sĩ kiêu hùng ngã ngựa. Nhưng rời khỏi yên ngựa , chàng kỵ sĩ đi vào cõi vĩnh hằng. Lorca bất tử cùng nghệ thuật:
"không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng"
Tiếng đàn được tượng trưng hóa trở thành một linh hồn, hơn thế trở thành một thân thể, một sinh thể "không ai chôn cất". Thân xác Lorca đã bị vùi lấp ở nơi nấm mồ vô danh nào không ai rõ, chỉ biết tiếng đàn nghệ thuật của Lorca thì vẫn còn, vẫn bay trên những thảo nguyên mênh mông bất tận. Tiếng đàn chất chứa khát vọng sống mãnh liệt không thể bị tiêu diệt, nó vẫn sinh sôi nảy nở bằng sức sống tự nhiên không gì ngăn chặn nổi: "tiếng đàn như cỏ mọc hoang". Câu thơ thể hiện niềm tin tha thiết vào sự trường tồn bất tử của nghệ thuật Lorca nhưng vẫn thấp thoáng nỗi đau day dứt. Sự nghiệp cách tân nghệ thuật còn dang dở, Lorca đã ra đi. Nghệ thuật TBN thiếu kẻ dẫn đường, chỉ còn là cỏ mọc hoang. Thanh Thảo làm lay động lòng độc giả bằng hình ảnh thơ tượng trưng đa nghĩa, gợi một nỗi buồn vô hạn, ai oán, xót xa.
"giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng"
Câu thơ mang dáng dấp của nghệ thuật sắp đặt gợi ra biết bao liên tưởng. Nhà thơ lược bỏ tối đa các quan hệ từ, hình ảnh trùng phức, cảm xúc gián đoạn, tư duy đa chiều. Đó là giọt nước mắt của vầng trăng hay là giọt nước mắt như vầng trăng? Đó là giọt huyết lệ, là niềm đau đớn khôn nguôi trước cái chết bi phẫn của Lorca hay là giọt ngọc châu trong trẻo bất tử hóa Lorca cùng nghệ thuật của người? Có thể nói đây là hai câu thơ biến ảo nhất trong bài.
Đoạn thơ cuối là sự giã từ của Lorca với cuộc đời trần thế:
"đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng nén trái tim mình vào lặng im bất chợt
li la li la li la..."
Đàn ghi ta- con thuyền nghệ thuật đang chở Lorca vào cõi vĩnh hằng. Cái chết đến đây như đã nguôi ngoai niềm bi phẫn, nó trở thành một sự giải thoát, nhẹ nhàng và thanh thản. Những ám ảnh về cuộc đời số phận đều đã tan biến, tựa như nước chảy qua lòng bàn tay. Trái tim Lorca đã ngủ yên trong lòng nhân loại, xin cứ giữ sự im lặng bình yên này để chàng đi vào cõi bất tử. Âm thanh tiếng đàn lại được láy lại. Một sự tiễn đưa đầy ý nghĩa chăng? "li la li la li la...". Âm nhạc của chàng còn mãi vang vọng trong nhân gian và trong lòng hậu thế. Nó bất diệt như loài hoa tử đinh hương: hoa li la. Cuộc sống đã nở hoa từ cái chết của chàng.
Bài thơ như một khúc nhạc trữ tình chếnh choáng ánh sáng, hương thơm. Nhạc điệu thay đổi linh hoạt, cấu trúc thơ mang dáng dấp của bản giao hưởng từ êm ái du dương,đẩy lên cao trào mạnh mẽ rồi lắng sâu trong trầm lặng suy tư. Chất nhạc được tạo nên từ vần, nhịp, những điệp từ... Hệ thống hình ảnh tượng trưng đa nghĩa gợi cho người đọc "cảm giác tan chảy trong sự sống tưởng tượng". Bài thơ vì thế mà đọng lại bao dư vị, ám ảnh hồn người một nhân cách nghệ sĩ cao đẹp mà chịu nhiều bất hạnh Lorca.
Và đến hôm nay, giữa biết bao âm thanh bộn bề của cuộc sống, ta đôi khi vẫn thấy ngân nga trong tim tiếng đàn ghi ta của con người ấy: li la li la li la....
|