|
Khi nói về giới trẻ là nói về một thế hệ đầy sức sống, sự nhiệt huyết và “Thanh niên là rường cột của nước nhà", là "hy vọng của quốc gia", nguồn lực mạnh mẽ để phát triển xã hội. Giới trẻ ngày nay phần đông là những người năng động, có kiến thức rộng, sống có hoài bão và lý tưởng, đồng thời không ngừng học hỏi vươn lên để dựng xây đất nước. Dưới góc độ ứng xử, nhìn chung, họ có những cách ứng xử tích cực, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc, có trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân mình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Ðối với bản thân họ không có ý chí phấn đấu, sống buông thả, sa đà vào các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống xa lạ, sai trái, đi ngược với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc. Nhưng với cộng đồng, xã hội, hiện tượng các bạn trẻ, thậm chí là học sinh trung học cơ sở văng tục, chửi thề; ngang nhiên vi phạm luật lệ giao thông; có thái độ không đúng mực với người lớn tuổi; hành động thiếu văn hóa nơi công cộng... diễn ra khá phổ biến.
Trong một lần tôi đi xe buýt từ Pleiku đến An Khê (xe buýt ở Hà Nội thường có một bảng chú ý ở đầu xe với một số nội dung, trong đó có nội dung thanh niên nhường chỗ ngồi cho người già, phụ nữ có bầu, người tàn tật,…), do cũng lên từ đầu bến nên tôi có được một chỗ ngồi giữa xe, ngồi ngoài tôi là một sinh viên trường Cao đẳng, đi đến Chư Á thì có một bà cụ lên xe nhưng không còn chỗ ngồi, cậu sinh viên ngồi ngoài ngồi im, tôi thấy thế nhường chỗ cho bà cụ, bà cảm ơn tôi và ngồi vào chỗ của tôi - Tôi nghĩ chắc cậu sinh viên thấy tôi xử sự như thế sẽ ngượng lắm, nhưng tôi đã nhầm, vì khi xe đi đến Đồng Xanh thì có một người phụ nữ mang bầu bước lên, người phụ nữ loay hoay mãi mà không có chỗ ngồi, tôi nói với cậu sinh viên đứng dậy nhường chỗ cho người phụ nữ đó nhưng cậu sinh viên đó nói: “ai lên trước thì người ngồi”. Tôi bảo rằng tại sao tôi cũng lên trước nhưng tôi đã nhường chỗ rồi có sao đâu, cậu ta trả lời: “chú nhường là việc của chú”, cả xe buýt cũng lắc đầu ngao ngán, tôi thật lấy làm hổ thẹn cho một sinh viên, là giáo viên tương lai, mai sau sẽ dạy cho học sinh những cách ứng xử thế nào đây?
Hay có một lần tôi đang đi xe máy ở đường Phan Đình Phùng, bỗng sau lưng tôi phát ra câu “Ê! Con l… đâu ấy mày”, tôi quay đầu lại và thật bất ngờ người phát ra câu đó không phải là nam mà là một cô bé khoảng 13 - 14 tuổi gì đấy. Cũng mới ngày gần đây thôi, khi tôi đang đi xe máy đến ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, một cô bé mang áo học thể dục có dòng chữ Trường PTTH Hùng Vương, vượt xe qua đèn đỏ mà cứ ngang nhiên, “tỉnh bơ như ruồi”, thấy thế tôi đi tới gần “ngứa miệng” bảo: “sao học sinh mà vượt đèn đỏ cháu”, cô bé ném vào mặt tôi một câu: “kệ người ta, vô duyên” (tôi nghĩ trong bụng “vô duyên” hay “vô văn hóa”?). Đó là chưa kể chuyện những chàng trai vô tư "giải quyết nỗi buồn" ở những nơi công cộng; chuyện rú ga đến “thất kinh” trước cổng bệnh viện, trường học, chuyện bấm còi toe toe; chuyện bắt chước các kiểu tóc, trang phục của những người nổi tiếng (mà quên mất mình đang là học sinh). Hay nhắn những tin nhắn mà đôi khi dịch cả ngày cũng không biết là ý muốn nói gì (m thik an j), rồi đến cài mấy thứ nhạc “vớ vẩn” vào điện thoại nghe giật thót cả mình; nói chuyện với người già người lớn thì “chặt bụp”, “cụt lủn”... Ôi thôi thì vô vàn câu chuyện về cách ứng xử thiếu văn hóa của giới trẻ, có kể cả ngày cũng không hết! |
Cảm ơn
-
Xem tất cả
|