|
A. kiến thức cơ bản:
I. Về tác giả:
-Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh năm 1920.
- Quê quán : Kim bài - Thanh Oai- Hà Đông (Nay là Hà Nội)
Tô Hoài viết văn từ trước cách mạng nổi tiếng với truyện “ Dế Mèn phiêu lưu kí”
-Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại . Ông có vốn hiểu biết phong phú , sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau của đất nước.
- Ông viết nhiều và thành công ở nhiều thể loại khác nhau: từ truyện ngắn, truyện dài, hồi kí đến kịch bản phim rồi tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Năm 1996, Tô Hoài được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
* Một số tác phẩm tiêu biểu của Tô Hoài như: : Dế Mèn phiêu lưu kí”(1941), O chuột (1942), Nhà nghèo (1944), Truyện Tây Bắc(1953), Miền Tây (1967),…
II. Tác phẩm :
1.Hoàn cảnh sáng tác :
Năm 1952 Tô Hoài đi cùng với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc . Trong chuyến đi này nhà văn đã có dịp sống găn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số ( Thái , Mường, Mông , Dao ..)nên đã để lại nhiều kỉ niệm, hiểu biết về cuộc sống con người miền núi Thôi thúc Tô Hoài viết " Truyện Tây Bắc" trong đó có " Vợ chồng A Phủ"
" Vợ chồng A Phủ” (1952) in trong tập truyện “Tây Bắc”. Truyện được giải nhất Truyện và kí VN năm 1954- 1955. Tác phẩm gồm hai phần , đoạn trích trong sách giáo khoa là phần một.
2.Tóm tắt tác phẩm :
Mị và A Phủ là đôi thanh niên nam nữ người HMông. Do hoàn cảnh gia đình túng quẫn Mị trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra . A Phủ vì đánh nhau với A Sử - con trai Pá Tra, bị xử phạt không có tiền trả nên cũng phải đi ở trừ nợ cho nhà thống lí . Cuộc sống nô lệ của Mị và A Phủ ở Hông Ngài không khác gì những con vật nuôi trong nhà Thống lí Pá Tra. Một lần vì để hổ ăn thịt mất bò, A Phủ bị nhà thống lí Pá Tra bắt vạ, đânhs trói man rợ giữa sân nhà. Trong lúc chờ chết, APhủ được Mị cởi trói. Hai người cùng nhau trốn thoát khỏi nhà thống lí đến Phiềng Sa và trở thành vợ chồng. Tại đây A Phủ gặp A Châu -người cán bộ CM, do được A Châu giác ngộ , A Phủ nhiệt tình tham gia du kích. Vợ chồng APhủ bắt đầu cuộc sống mới.
- Truyện gồm hai phần: phần đầu chủ yếu nói về cuộc đời của Mị và APhủ ở Hồng Ngài, bị chà đạp, đày đọa trong nhà thống lí Pá Tra cho đến khi Mị cắt dây trói cho APhủ và cae hai bỏ trốn. Phần hai nói về sự đổi đời của hai nhân vật ở Phiềng Sa.
3. Đặc sắc nghệ thuật:
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật có nhiều điểm dặc sắc ( A Phủ được miêu tả chủ yếu qua hành động; Mị chủ yếu khắc họa tâm tư)
- Trần thuật uyển chuyển linh hoạt , cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ , tự nhiên mà ấn tượng , kể chuyện ngắn gọn , dẫn dắt tình tiết khéo léo.
- Biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục tập quán của người dân miền núi.
- Ngôn ngữ sinh động chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ,…
4. Chủ đề:
" Vợ chồng A Phủ" đặt ra vấn đề số phận con người- những con người dưới đáy của xã hội - những con người bị tước đoạt hết tài sản, bị bốc lột sức lao động và bị xúc phạm nặng nề về nhân phẩm. Giải quyết vấn đề số phận con người, Tô Hoài đã thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc sống mới.
B.Luyện đề:
1. Trình bày ngắn gọn giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của " Vợ chồng A Phủ" ?
* Gía trị hiện thực
- Tác phẩm cho thấy cuộc sống cơ cự bị đè nén áp bức nặng nề của người dân miền núi vùng Tây Bắc dưới ách thống trị hà khắc của bọn địa chủ và phong kiến cấu kết với thực dân Pháp.
+ Tiêu biểu cho số phận những con người khốn khổ bị vùi dập chẳng khác nào con sâu, con kiến, bị coi không bằng trâu ngựa ở nhà thống lí ấy là Mị và A Phủ ( dẫn ra một số chi tiết để thấy cuộc sống nô lệ ở Hồng Ngài tối tăm của hai nhân vật)
- Gía trị hiện thực của thiên truyện còn thể hiện ở chỗ người đọc thấy hiện lên ở đây rất sinh động bộ mặt tàn bạo và những hũ tục thối nát của chế độ phong kiến ở miền núi trước CM. Điều này thể hiện tập trung ở cha con thống lí:
+ Cảnh ăn vạ và xử kiện
+ Cảnh hút thuốc phiện
+ Cảnh hành hạ A Phủ
+ Cảnh đánh đập Mị của bố con thống lí
- Phần sau của chuyện hé mở cho người đọc thấy sự đổi đời của "vợ chồng A Phủ". Dưới ánh sáng của cách mạng, A Phủ và Mị đã tham gia du kích, chuẩn bị cùng dân làng đánh Pháp sống cuộc sống của những con người tự do.
* Gía trị nhân đạo:
- Cảm thông sâu sắc đối với người dân, thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người dân lao động miền núi trước cách mạng.
- Tố cáo lên án, phơi bày bản chất xấu xa tàn bạo của thế lực phong kiến ở miền núi chà đạp lên quyền sống của con người, hiểu được ước mơ nguyện vọng của họ, trân trọng đề cao những khát vọng chính đáng của con người.
- Ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khả năng cách mạng của nhân dân Tây Bắc.
- Thấy được người nông dân miền núi mặc dầu bị đè nén, áp bức nặng nề nhưng họ vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt , khao khát tình yêu, hạnh phúc, tự do. Đặc biệt cũng như nhiều tác phẩm ở giai đoạn này, truyện " Vợ chồng A Phủ đề cao tình hữu ái giai cấp, sự đồng cảm của những con người nhèo khổ cùng cảnh ngộ.
- Giải phóng con người khỏi sự chà đạp, cho họ một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nhà văn đã tin tưởng vào sức mạnh quật khởi , tinh thần đấu tranh để tự giải phóng của họ.
2. Hoàn cảnh diễn ra việc Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ; ý nghĩa của sự việc ấy đối với tâm lí của nhân vật Mị ?
* Hoàn cảnh diễn ra sự việc Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: (1 điểm)
- Do sơ ý để hổ bắt mất bò, Aphủ bị thống lí Pá Tra trói đứng, bỏ mặc cho đói rét suốt mấy đêm liền giữa kì sương muối khắc nghiệt ở Hồng Ngài; còn Mị sau bao năm bị đày đọa cùng cực cũng đã trở nên chai lì. Những đêm trước, tuy vẫn trở dậy thổi lửa, hơ tay, nhìn thấy APhủ bị trói nhưng Mị chỉ dửng dưng, vô cảm.
Đêm ấy, trong nỗi bất lực, bế tắc và hoàn toàn tuyệt vọng, A Phủ đã khóc, đúng lúc đó, Mị nhìn sang và bắt gặp dòng nước mắt của A Phủ.
* Ý nghĩa của sự việc ấy đối với tâm lí của nhân vật Mị (1 điểm)
- Việc nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ là khởi đầu cho sự thay đổi lớn trong tâm lí của Mị; Mị nhớ lại lần cũng bị hành hạ như thế, mà xót xa thương mình; từ đó đồng cảm với nỗi đơn độc và tuyệt vọng của A Phủ.
- Từ mối đồng cảm ấy, Mị càng hiểu sâu sắc hơn sự độc ác của cha con thống lí Pá Tra, thấy rõ sự nguy khốn vô lí đang ập xuống Aphủ ; lòng trắc ẩn của người phụ nữ phút chốc thức dậy đã đem lại sức mạnh cho Mị, khiến Mị dám liều mình cứu Aphủ.
2.Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị được thể hiện trong cảnh ngộ khi bị bắt làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí PáTra đến khi thoát khỏi Hồng Ngài.
* Gợi ý:
MB : " Vợ chồng A Phủ" là truyện ngắn hay nhất trong tập truyện " Tây Bắc" của nhà văn Tô Hoài, viết về miền núi phía Bắc trong kháng chiến chống Pháp mà Mị là nhân vật được xây dựng có nhiều thành công nhất. Mị là điểm sáng, là thành công nổi bật của Tô Hoài trong " Vợ chồng A Phủ".
Mị, cô gái Mèo tre đẹp, hiếu thảo,khát khao hạnh phúc, nhưng vì gia đình nghèo, nợ nần nên lâm vào cảnh bị bắt làm dâu gạt nợ, sống lầm lũi cam chịu. Dẫu thế, Mị vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt.
TB:
( 1) Phản ứng đầu tiên khi Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí PáTra:
Ngay khi mới bị bắt về làm dâu gạt nợ, Mị có ý định tự tử.Việc Mị định tự tử chứng tỏ Mị đã phản ứng. Đây là dấu hiệu của sự không chấp nhận cuộc sống ê chề khổ cực. Nói đúng hơn là muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại đầy đau khổ. Hành động chống lại đó được phát động bằng một sức sống tự nhiên vốn có của con người. Nhưng vì thương cha, Mị không thể chết. Mị lẳng lặng quay về nhà thống lí chẳng khác gì trở về chốn địa ngục trần gian. Từ đó, Mị sống lầm lũi, cam chịu, vật vờ như một cái bóng. Dường như Mị đã mất ý niệm về thời gian, về tuổi trẻ. Cuộc đời đối với Mị lúc bấy giờ chỉ là một đêm dài thăm thẳm mà thôi. Ngày trước, Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vì chữ hiếu mà hi sinh chữ tình. Giờ đây cô Mị của Tô Hoài có gì khác đâu. Cô đành quên đi tuổi trẻ, đánh đổi tự do mà trả món nợ cho nhà giàu.
Tưởng rằng ở lâu trong cái khổ Mị đã hoàn toàn chai lì, vậy mà không: Tận chiều sâu tâm hồn người phụ nữ bất hạnh ấy vẫn âm thầm niềm khát khao được thay đổi. Khát khao này cứ âm ĩ tựa đốm than hồng bị vùi nén để khi gặp được ngọn gió lành sẽ bùng lên thành ngọn lửa.
Ngọn gió lành đầu tiên khơi dậy sức sống tiềm tàng trong Mị chính là tiếng sáo gọi bạn tình vào một đêm mùa xuân.
( 2) Sức sống tiềm tàng của Mị được thể hiện qua tâm trạng khi tết đến xuân sang:
- Mị uống rượu trong ngày tết : " Mị lén lấy cái hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát". Ngày trước khi còn ở với bố, tết đến Mị cũng uống rượu nhưng không phải " lén", không phải uống ừng ực từng bát như thế này. Phải chăng Mị uống rượu như thế thì có nghĩa là uống hận vào trong lòng, là đồng nghĩa với ý muốn đập phá một cái gì đó khi mà sức sống tiềm tàng trong lòng đang bắt đầu cháy le lói.
- Cũng trong ngày tết; khi nghe tiếng sáo gọi bạn tác động vào tâm hồn Mị " Mị thấy phơi phới trở lại, lòng Mị đột nhiên vui sướng …" Sau những giây phút tìm về quá khứ đầy hạnh phúc của đời mình, Mị có ý định đi chơi xuân. Mị với lấy váy hoa chuẩn bị đi chơi nhưng không đi được vì A Sử bắt gặp , thế là Mị bị trói.
- Bị A Sử trói nhưng Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo" Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi", Mị vùng bước đi " mặc dù tay chân đều không cựa được". Vậy là Mị đã thực hiện một cuộc chơi trong tưởng tượng. Hành động của Mị và ý định chơi xuân của Mị là biểu hiện của sự nổi loạn trong tâm hồn Mị. Mị muốn sống lại với tuổi trẻ, với tình yêu, muốn trở về với chính mình.
Cái sức sống tiềm tàng đã một lần trổi dậy thì không thể nào dập tắt nổi. Nó cứ âm thầm tồn tại để rồi bùng lên mạnh mẽ hơn vào một đêm năm sau. Ấy là một đêm mùa đông giá lạnh.
( 3) Mị cởi trói cho A Phủ, sức sống tiềm tàng đã bắt đầu cháy sáng.
- Trước đó, Mị sống rất thờ ơ với mọi người xung quanh. Nhưng đêm nay, thấy dòng nước mắt của A Phủ gợi cho Mị nhớ lại" Đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia, nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống." Nhớ lại cảnh ngộ của bản thân Mị vô cùng đau xót. Và từ chỗ thương mình, Mị đã thương A Phủ. Vì vậy Mị chấp nhận hi sinh để cứu A Phủ.
Vậy là nước mắt đã gợi nhớ đến nước mắt. Dòng nước mắt nơi A Phủ bỗng thức dậy niềm đồng cảm, lòng yêu thương ở người phụ nữ từng chịu nhiều đắng cay bất hạnh này. Và tình thương đã chiến thắng nỗi sợ hãi, trong phút chốc, Mị đi đến một hành động thật táo bạo, cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ.
Trong khi làm việc ấy và đến khi cắt đứt sợi dây trói cuối cùng trên người A Phủ, Mị chỉ nghĩ đến chuyện chết thay chứ đâu đã định cũng chạy thoát khỏi nhà Thống lí. Nhưng khi đứng lặng trong bóng tối, nhìn theo A Phủ vừa chạy vừa lăn xuống dốc để rồi xa chỗ chết thì Mị lại không muốn chết nữa. Cô vùng chạy theo A Phủ " Ở đây thì chết mất" câu nói và hành động này của Mị chứng tỏ lòng ham sống trỗi dậy tự nhiên trong người con gái tiềm tàng khả năng phản kháng. Giải thoát cho A Phủ đồng thời Mị cũng tự giải thoát cho mình. Lí giải hành động quyết liệt này của Mị, trước tiên ấy là niềm đồng cảm sâu sắc giữa hai thân phận. Nếu như Mị là con dâu gạt nợ thì A Phủ là đứa ở trừ nợ. Cả hai đều phải đem tuổi trẻ, tự do của mình mà phải trả món nợ cho nhà giàu. Nhưng niềm đồng cảm là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Để đi đến hành động táo bạo ấy còn bởi trong Mị tiềm tàng một sức sống. Rõ ràng không phải người phụ nữ nào trong hoàn cảnh ấy cũng đều làm được như cô. Mị cắt đứt dây trói cho A Phủ cũng chính là cắt đứt sợi dây vô hình đang trói chặt cuộc đời cô. Điều này thể hiện khát vọng sống và khả năng phản kháng chống lại cường quyền và thần quyền.
KB:
Tóm lại Mị là cô gái có số phận bi thảm nhưng vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt.
Với nghị lực phi thường và lòng ham sống, Mị đã tìm thấy cuộc sống cho bản thân và dám đấu tranh với những thử thách để rồi vượt qua. Rõ ràng khi xây dựng nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài hòn toàn có ý thức làm nổi bật sức sống tiềm tàng của Mị ngay trong cảnh ngộ tưởng chừng như buông xuôi cho số phận vì cuộc đời quá cay nghiệt. Sức sống tiềm tàng là một yếu tố quan trọng trong sự vươn lên để cứu lấy cuộc đời mình.
* Đọc " Vợ chồng A Phủ' ta thấy Mị là bức chân dung tĩnh lặng. Hầu như trong thời gian ở nhà thống lí Mị chỉ nói có vài ba câu. Nhưng ẩn chứa trong tâm hồn câm lặng ấy, là một sức sống mãnh liệt, một khát vọng lớn lao như mạch suối ngầm trong mát. Tiếp xúc với " vợ chồng A Phủ" ta nhớ, ta yêu một cô Mị ở Hồng Ngài, càng bị đọa đày đau khổ, càng khát khao sức sống mãnh liệt để có thể hiểu hơn một cô Mị du kích Phiềng Sa sau này.
3. Trong bài cảm nghĩ về chuyện " Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài viết:
" Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt"
( Tác phẩm văn học 1930- 1975, Tập hai, NXB Khoa học Xã hội, 1990, tr 71)
Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn " Vợ chồng A Phủ" ( đoạn trích được học) của Tô Hoài để làm sáng tỏ nhận xét trên.
* Gợi ý:
MB: giới thiệu tác phẩm nhân vật
- Truyện ngắn" Vợ chồng A Phủ" in trong tập truyện Tây Bắc ( 1953) là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Tô Hoài. Truyện kể về cuộc đời Mị và A Phủ ở Hồng Ngài với những ngày đen tối và những ngày tươi sáng đầy hi vọng.
- Nhân vật Mị được tác giả xây dựng với sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ, vượt lên kiếp sống đầy đau khổ, tủi nhục, hướng tới cuộc sống mới tốt lành. Chính vì vậy trong bài cảm nghĩ về chuyện " Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài viết : " Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt"
TB:
1.Giải thích ý kiến:
- Nhận xét của Tô Hoài :
+ Nêu rõ cuộc sống cực nhục của người dân nghèo miền núi
+ Đề cao bản chất tốt đẹp và khẳng định sức sống bất diệt của con người.
1. Con người tốt đẹp bị đày đọa :
a. Mị có phẩm chất tốt đẹp:
- Mị là một thiếu nữ xinh đẹp , tài hoa, hồn nhiên, yêu đời. Cô không những chăm chỉ làm ăn mà còn yêu tự do, ý thức được quyền sống của mình.
- Phẩm chất tốt đẹp nhất của Mị là giàu lòng vị tha, đức hi sinh: Mị thà chết còn hơn sống khổ nhục, nhưng rồi Mị chấp nhận sống khổ nhục còn hơn là bất hiếu, còn hơn thấy cha mình già yếu vẫn phải chịu bao nhục nhã khổ đau.
b. Bị đày đọa về thể xác lẫn tinh thần:
- Mang danh là con dâu thống lí, vợ của con quan nhưng Mị lại bị đối xử như một nô lệ. Mị ở nhà chồng mà như ở địa ngục với công việc triền miên. Mị sống khổ nhục hơn cả súc vật, thường xuyên bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Mị sống như một tù nhân trong căn buồng chật hẹp, tối tăm.
- Trong cuộc sống tù hãm, Mị vô cùng buồn tủi, uất ức. Muốn sống cũng chẳng được sống cho ra người, muốn chết cũng không xong, dường như Mị bắt đầu chấp nhận thân phận khốn khổ, sống như cái bóng, như "con rùa nuôi trong xó cửa"
3. Sức sống tiềm tàng mạnh mẽ:
a. Tâm trạng và hành động của Mị trong ngày xuân ở Hồng Ngài:
- Bên trong hình ảnh " con rùa nuôi trong xó cửa" vẫn đang còn một con người khát khao tự do, khát khao hạnh phúc. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ trong thiên nhiên và con người, tất cả đánh thức tâm hồn Mị . Mị uống rượu để quên hiện tại đau khổ . Mị nhớ lại thời con gái, Mị sống lại với niềm say mê yêu đời của tuổi trẻ . Trong khi đó, tiếng sáo( biểu tượng của tình yêu và khát vọng tự do) từ chỗ là hiện tượng ngoại cảnh đã đi sâu vào tâm tư Mị.
- Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối. Mị chuẩn bị đi chơi nhưng bị A Sử trói lại . Tuy bị trói nhưng Mị vẫn tưởng tượng và hành động như một người tự do, Mị vùng bước đi.
b. Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cuối cùng ở nhà Pá Tra :
- Lúc đầu thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên. Nhưng đêm ấy, Mị thấy dòng nước mắt trên má A Phủ. Nhớ lại cảnh ngộ của mình trong đêm mùa xuân năm trước, Mị đồng cảm, thương xót A Phủ. Phân tích nét tâm lí: Mị thấy cái chết sắp tới với A Phủ là uất ức, phi lí. Mị không sợ hình phạt của Pá Tra , ý thức căm thù và lòng nhân ái giúp Mị thắng nỗi sợ hãi, biến Mị thành con người dũng cảm trong hành động cắt dây trói cứu A Phủ.
- Ngay sau đó, Mị đứng lặng trong bóng tối với bao giằng xé trong lòng. Nhưng rồi khát vọng sống trỗi dậy thật mãnh liệt, Mị vụt chạy theo A Phủ, đến với tự do.
KB:
- Với bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị.
- Cuộc đời đau khổ, tủi nhục của Mị có ý nghĩa tiêu biểu cho kiếp sống khốn khổ của người dân miền núi dưới ách thống trị của các thế lực phong kiến và thực dân .
- Nhưng có áp bức có đấu tranh, nhân vật Mị chính là điển hình sinh động cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối, hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do. |
|